Nói chuyện về tiền bạc sẽ dễ dàng hơn nếu vợ chồng thỏa thuận về những vấn đề ưu tiên. Nhưng đôi khi việc thoả thuận về những vấn đề ưu tiên cũng khó khăn vì thói quen sử dụng tiền bạc đã được hình thành từ lâu mà không dễ gì thay đổi.
Thái độ của một người về tiền bạc gần như là một cá tính. Chính vì vậy, vợ (chồng) cần biết chấp nhận thói quen về tiền bạc của nhau.

Đối với tiền bạc, vợ (chồng) bạn có thể thuộc vào một trong bốn dạng sau đây: dạng người tiêu xài, người tích luỹ, người hay lo lắng và người hay né tránh. Mỗi dạng đều có những nét tích cực và tiêu cực riêng. Trong việc chèo lái ngân sách gia đình, người này sẽ hỗ trợ cho người kia sao cho hài hoà và hiệu quả nhất.

Nhiều cặp vợ chồng quản lý tiền bạc bằng cách không cho nó trở thành đồng tiền chung. Những gì anh ấy kiếm được là của anh ấy, những gì tôi kiếm được là của tôi. Điều đó thực sự hấp dẫn nếu một trong hai người đã từng có gia đình và có con riêng.

Đa số vợ chống vẫn muốn có một chút tiền "lận lưng" để tiêu theo nhu cầu của mỗi người trong công việc, ngoại giao. Còn lại họ đều góp chung nhau để lo cho con cái, chi phí các khoản khác cho cả nhà: tiền đi chợ, tiền nhà, tiền điện thoại, tiền nước...

Vậy làm thế nào để tiền không ảnh hưởng đến gia đình bạn?

Dù giàu hay nghèo, bạn cũng có thể tránh hoặc giảm bớt được những cuộc tranh cãi về tiền bạc. Sau đây là một số bí quyết:

- Hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau về tiền bạc. Sự im lặng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

- Dù thế nào vẫn phải có một người lo quản lý tài chính gia đình, hoặc vợ hoặc chồng.

- Phải biết tiền từ đâu mà có. Ngay cả khi chồng (vợ) bạn có lắm tiền, bạn cần tìm rõ ngọn ngành. Hãy chú ý vào thu nhập và cam đoan rằng nó phù hợp với lượng tiền mà bạn kiếm được.

- Hãy tham khảo ý kiến của nhau trước khi mua đồ vật trong gia đình, điều đó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

- Hãy nhìn thẳng vào hoá đơn, những vấn đề nhạy cảm luôn xuất hiện khi chúng ta giải quyết vấn đề hôn nhân và tiền bạc. Chẳng hạn bạn có dám từ bỏ việc quản lý tiền nhằm khích lệ cái tôi của người bạn đời không hay chỉ có những cảm giác mệt mỏi và giận dữ?

- Hãy cộng hết nợ lại và đề ra phương hương thanh toán, nếu mắc nợ.

- Cùng quan tâm đến chi tiêu và tiết kiệm: các chuyên gia khuyên rằng các cặp vợ chồng nên có vài khoản chi tiêu cho gia đình và tiết kiệm chung, tất nhiên cả hai đều cùng quản lý. Cả hai cũng nên có những khoản tiền riêng với tên của mình và như thế chẳng có ai sờ vào đó được cũng như chẳng ai bắt mình chi tiêu nếu mình không thích.

- Không nên chỉ trích vợ hoặc chồng trước mặt bạn bè về tiền bạc.

- Hãy tạo ra tài khoản chung nhằm tăng làm tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau trong hôn nhân cũng như tạo thuận lợi cho việc quản lý việc nhà.

- Hãy thống nhất trả lời khi con bạn đòi hỏi điều gì để tránh trường hợp chúng dựa vào người này để phản kháng người kia.

- Thường xuyên trao đổi về những mục tiêu của mình, đặc biệt khi bạn cần giải quyết một vấn đề tiền bạc.

- Tiếp tục nỗ lực từ hai phía: cách hiệu quả nhất để đi đến một sự thống nhất về tiền bạc là đưa ra những quyết định liên quan đến chi tiêu cũng như lập kế hoạch dài hạn cùng nhau.

Quản lý chi tiêu trong hôn nhân

Mỗi người đều có cách chi tiêu khác nhau, không ai giống ai. Biết được cách chi tiêu của nhau sẽ giúp bạn có được lợi thế trong việc quản lý tiền bạc và hạn chế được những điểm yếu trong cách chi tiêu của mình.

Chi tiêu theo giá trị
Giá trị là tính sáng tạo, sự tự do, tình bạn hay những mục tiêu đảm bảo tài chính. Đó có thể là bạn không bị mắc nợ, hay bạn muốn mua một chiếc xe mới, hoặc bạn muốn đóng góp cho từ thiện…

Bạn hãy viết ra 5 loại giá trị khác nhau và định nghĩa rõ ràng chúng theo cách của bạn. Sau đó hãy chia sẻ với bạn đời của mình. Cách này giúp cho bạn hiểu được giá trị nào là quan trọng đối với họ.

Thường xuyên công khai tài chính
Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng tranh cãi nhau về tiền bạc nhiều hơn những vấn đề khác (khoảng 80% những cặp vợ chồng ly hôn bất đồng quan điểm về tiền bạc). Bạn nên công khai tài chính mỗi tuần một lần để chồng mình nắm rõ chi tiêu trong tuần.

Sống với hiện tại và tiết kiệm cho tương lai
Mỗi gia đình đều có cách sử dụng tiền bạc khác nhau. Lý tưởng nhất là mỗi gia đình nên để 5 – 10% thu nhập của mình cho chi tiêu.
Lên danh sách những điều cần chi tiêu cho mình và cho gia đình

Bạn hãy lập một danh sách những nhu cầu hàng ngày của bạn và gia đình. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi bỏ bớt những điều cần quan tâm.

Phân chia trách nhiệm tài chính cho mỗi thành viên
Mỗi thành viên trong gia đình cùng chia sẻ với nhau những gì đang xảy ra và cùng quyết định những vấn đề tài chính lớn.

Mỗi người nên có một “khoản” riêng
Đây có thể là một trong các điều quan trọng nhất của việc quản lý chi tiêu gia đình. Với khoản tiền này họ có thể chi tiêu tùy theo ý thích và không cần phải giải thích gì về lý do tiêu tiền.

Hãy để dành, mỗi ngày một ít
Bạn sẽ để dành được 20 triệu đồng một năm nếu bạn để dành mỗi ngày 55.000 đồng. Hay nhiều hơn là do bạn quyết định.

Học cách kiếm tiền và làm giàu mỗi ngày
Có rất nhiều nguồn cung cấp cho bạn cách làm giàu và kiếm tiền, đó có thể là sách báo hay website.

Lên kế hoạch và chi tiêu trong kế hoạch
Lập những khoản chi tiêu cho tương lai và chi tiêu theo kế hoạch đó. Nghĩ ra nhiều cách khác nhau để mức chi tiêu của bạn là thấp nhất.

Chúng ta hãy tận hưởng thời gian bên nhau cùng lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp mà không cần lo lắng đến tiền bạc.

9 cách quản lý tiền hiệu quả trong gia đình

Khi bạn kết hôn, việc xây dựng một cuộc hôn nhân hoàn hảo không thể thiếu yếu tố tài chính. Dù bạn kiếm được nhiều hay ít tiền thì việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể và tính toán linh hoạt vẫn giúp gia đình bạn an toàn "thoát hiểm" qua những cơn bão giá và có một tương lai ổn định hơn.

1. Cởi mở về vấn đề tài chính
Đối với một số cặp vợ chồng, việc thảo luận công khai và cởi mở về chuyện tiền bạc dường như rất khó khăn. Với các cặp đôi mới bắt đầu bước vào đời sống hôn nhân, cần thống nhất các quy tắc như ai sẽ là người giữ tiền, công khai các khoản chi tiêu bằng cách ghi lại và báo lại còn số dư, hoặc thiếu với người còn lại. Càng cởi mở và rõ ràng bao nhiêu, bạn càng đỡ mệt đầu và tránh những xung đột không đáng có giữa hai vợ chồng.

2. Để riêng một khoản dùng khi cần thiết
Dù tình hình tài chính của vợ chồng bạn có tốt đến đâu thì vẫn cần phải để ra một khoản tiết kiệm nhất định vào mỗi tháng và để riêng, phòng trường hợp cần thiết. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt, điều bạn cần làm là chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt nhất định để chi trả khi xảy ra biến cố.

3. Theo dõi ngân sách
Việc theo dõi số tiền tiêu hàng ngày cũng quan trọng không kém việc thiết lập ngân sách. Nếu bạn không biết chính xác tiền tiêu mỗi ngày vào những khoản gì, cuối cùng bạn sẽ không kiểm soát được mức chi tiêu và phải "rút lõi" từ các khoản tiết kiệm cố định. Theo dõi được các khoản chi tiêu cũng giúp bạn nắm được tình hình tài chính hiện tại của gia đình và có những điều chỉnh cho hợp lý.

4. Kiểm soát tiền linh hoạt
Khi đặt ra những mức chi tiêu cho hàng tháng, bạn cũng nên thay đổi dựa trên tình hình hiện tại. Giá cả các mặt hàng có tăng hay không, nhu cầu cá nhân tốn kém như thế nào, việc bạn sinh con, những phát sinh... Không nên cố định mãi khoản tiền định mức chi tiêu, bạn cần thay đổi để phù hợp hoàn cảnh nhưng vẫn bảo đảm có một khoản nhỏ để tiết kiệm.

5. Tiết kiệm để nghỉ hưu
Tận hưởng hiện tại với những người thân yêu là việc bạn nên làm nhưng cũng cần đề ra một kế hoạch tài chính dài hơi sau khi bạn về hưu. Có một khoản tiết kiệm để sử dụng lúc nghỉ hưu sẽ giúp cuộc sống về già của bạn đỡ vất vả hơn.

6. Sẵn sàng cho các bất đồng
Chuyện tiền nong giữa vợ chồng nhiều khi làm nảy sinh bất đồng. Khi chồng dùng tiền mua những món đồ đắt tiền mà không hỏi ý kiến vợ, hoặc vợ mua sắm quá đà, không kiểm soát được cũng khiến đối phương khó chịu. Nên đặt ra các quy định từ đầu, các khoản chi tiêu quá lớn cần phải có sự thống nhất giữa cả hai người. Ngoài ra, các khoản chi tiêu cho thời trang, làm đẹp của vợ nên có một mức cố định.

7. Trả các khoản nợ sớm
Nếu bạn phải nợ tiền, hãy ưu tiên trả nợ trước khi thực hiện các việc khác. Càng trả sớm nợ càng tốt. Nó không chỉ giúp tinh thần bạn cảm thấy dễ chịu hơn mà việc trả lãi cũng đỡ nặng nề theo mỗi tháng.

8. Đầu tư vào bảo hiểm
Việc mua bảo hiểm giúp bạn tránh được những khó khăn về sau. Thực tế, vợ chồng bạn cần tạo sự ổn định tài chính cho cuộc sống sau này. Mua bảo hiểm không chỉ là về tiền bạc mà còn bảo đảm tương lai bền vững cho vợ chồng bạn.

9. Mở một tài khoản riêng hoặc chung
Nếu bạn giỏi quản lý tài chính cá nhân, nên mở các tài khoản tiết kiệm riêng biệt. Việc mở chung một tài khoản tiết kiệm với số tiền lớn bạn sẽ kiểm soát đơn giản hơn nhưng cũng sẽ có ít tiền lãi hơn.

Nguồn: http://www.phununet.com/



Các bài viết cùng thể loại: