Khám phá Tam Đảo bằng xe máy, du khách sẽ trải nghiệm cảm giác từ thích thú khi cầm lái trên con đường đèo dốc cho đến ngỡ ngàng vì thời tiết thay đổi đủ bốn mùa xuân hạ thu đông.

Bắt đầu chuyến hành trình khi Hà Nội còn ngái ngủ, con ngựa sắt tiến thẳng cung đường Đại lộ Thăng Long - thành phố Vĩnh Yên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Chỉ sau hai tiếng, du khách đã đặt chân đến địa phận thị trấn Tam Đảo. Ấn tượng đầu tiên là cảnh tượng sương mù phủ dày khắp nơi và cái lạnh đến tê người như đang lạc bước vào mùa đông.
Một khúc cua trên đường lên Tam Đảo ngày mưa.
Tuy Tam Đảo không hùng vĩ như núi rừng Tây Bắc nhưng vẫn đem lại cho du khách những giây phút bất ngờ. Ngoài việc tập trung giữ chắc tay lái khi chinh phục một loạt những con dốc cao, đôi lúc bạn sẽ hứng thú dừng xe giữa đường để thỏa thích ngắm nhìn cả khoảng trời rộng bạt ngàn cây xanh và mây trắng.
So với các phương tiện khác, di chuyển trên lưng ngựa sắt làm chuyến đi thêm phần thú vị vì có thể dừng ở bất cứ đâu để nghỉ ngơi, ngắm cảnh, mua sắm hoặc nghịch nước bên những dòng suối nhỏ ven đường. Điều đặc biệt khi chọn xe máy là cảm giác phấn chấn lúc cầm lái vượt qua những khúc cua tay áo từ thành phố Vĩnh Yên lên trung tâm thị trấn Tam Đảo. Bên cạnh những đoạn một bên núi cao, một bên vực thẳm là nhiều đoạn dốc ngắn vừa cheo leo, vừa cua gấp khiến con ngựa sắt đôi lúc phải lùi về số một.
Đến trung tâm thị trấn du khách tấp xe vào chợ ngay dưới chân nhà thờ Pháp cổ và bắt đầu khám phá Tam Đảo. Bước chân như chậm rãi khi đặt lên từng bậc đá cũ và ngắm nhìn những bức tường xù xì, rêu phong có nước màu “cổ tích” của khu thánh đường. Đứng từ đây, mọi người có thể chiêm ngưỡng những tòa biệt thự lớn nhỏ thấp thoáng trong màn mây dày. Phố núi Tam Đảo trông như một bức họa nhiều màu sắc đóng khung trong cửa vòm của nhà thờ.
Tam Đảo nhìn từ cửa vòm nhà thờ đá.
Tiếp tục hành trình, du khách leo bộ trên dãy bậc thang đá dài hun hút để tới đền bà chúa Thượng Ngàn, cảm tưởng như đi mãi vẫn chưa đến đích. Người dân Tam Đảo cũng như du khách thường xuyên dâng hương nên đền bà chúa quanh năm nghi ngút khói hương. Không khí bình yên của nơi này làm người đến thăm chẳng muốn rời bước trở về.
Quá 12 giờ trưa, lúc mặt trời lên cao, nhiệt độ tăng dần và nắng bắt đầu xuyên qua những tầng mây là thời điểm thích hợp để du khách đi Thác Bạc. Lưu lượng nước ở thác nhiều nhất là vào khoảng tháng 7, khi những cơn mưa mùa hạ bắt đầu xuất hiện, thác đổ từ trên cao rất đẹp mắt. Giữa cái nóng mùa hè, còn gì tuyệt hơn khi được thả chân trần trong dòng nước mát và lắng nghe tiếng thác đổ sảng khoái bên tai.
Dãy hàng ăn đêm ở trung tâm thị trấn Tam Đảo.
Bắt đầu từ 4h chiều không khí mát mẻ và se se giống tiết trời thu. Nắng tắt dần nhường chỗ cho màn đêm buông xuống. Đi một vòng quanh khu chợ đêm của thị trấn, du khách sẽ thấy chỉ là vài gian hàng nhỏ nhưng đầy ắp các loại đồ lưu niệm đẹp mắt. Lang thang một chút là đi hết được cả khu chợ và dãy quán ăn ven đường dẫn xuống trung tâm thị trấn.
Tối đến ngồi ăn trong một lán nhỏ, thưởng thức món gà đồi thơm ngon (gà được làm sạch, tẩm ướp gia vị rồi bọc giấy bạc để nướng chín), vài quả trứng nướng, đôi thanh cơm lam, đĩa rau su su xào và nhâm nhi chén rượu nồng, bạn sẽ có một buổi tối thật thi vị. Kết thúc một ngày du ngoạn phố núi bằng ly trà nóng cùng với bạn bè để rồi ngày mai trở về thủ đô làm việc trong cảm giác khoan khoái hơn bội phần.
Thông tin thêm:
Khu du lịch Tam Đảo thuộc địa phận thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội 86 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Vĩnh Yên 24 km về phía Đông Bắc, trong đó 13 km đường đèo nhiều dốc cao và khúc cua nguy hiểm.
Các điểm tham quan khác ở Tam Đảo và vùng phụ cận: Đỉnh Rùng Rình, Cổng Trời, vườn quốc gia Tam Đảo, Thiền Viện Trúc Lâm, Tây Thiên...
Đặc sản Tam Đảo có thể mua làm quà: Ngọn su su, chuối rừng, mít, gà đồi, mật ong, sâm cau rừng, các loại thuốc, cây hương liệu quý hiếm...

Hương Chi



Các bài viết cùng thể loại: