Thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh những bãi biển hoang sơ, núi non hùng vĩ, Đà Nẵng còn để lại ấn tượng trong lòng du khách nhờ ẩm thực phong phú và con người thân thiện.

Nằm bên dòng sông Hàn, một mặt giáp biển Đông, một mặt được bao bọc bởi 3 di sản văn hóa thế giới là Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng hấp dẫn du khách bằng chính những nét đẹp riêng của mình.

Thời tiết, thời gian du lịch
Đà Nẵng là một thành phố thuộc vùng Nam Trung Bộ nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Để tránh những ảnh hưởng của mưa bão thì thời điểm du lịch Đà Nẵng đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên nếu muốn du lịch tiết kiệm thì du khách nên đi vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 bởi thời điểm này không khí Đà Nẵng khá mát mẻ, không có bão và nhất là giá dịch vụ mềm hơn so với tầm tháng 6 đến tháng 8.


Đà Nẵng là một thành phố biển xanh, sạch, đẹp của Việt Nam. Ảnh: Hương Chi.

Phương tiện di chuyển
Du khách có thể đi bằng tàu hỏa từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh đến ga Đà Nẵng và mất từ 14 đến 20 tiếng. Giá vé tàu giao động từ 300.000 đến 1.200.000 đồng một vé.
Nếu du khách đi máy bay từ sân bay Nội Bài hoặc sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Đà Nẵng sẽ mất 90 phút (sân bay nằm ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho du khách di chuyển). Giá vé máy bay giao động khoảng 600.000 - 2.200.000 đồng một vé, tùy hãng hàng không và loại vé du khách chọn.
Ngoài ra xe bus đường dài là một giải pháp khác cho du khách và tốn khoảng 18 đến 20 tiếng để đến Đà Nẵng. Giá xe từ Hà Nội đến Đà Nẵng từ 300.000 đến 500.000 đồng một vé, tương tự với tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng.

Trong nội thành Đà Nẵng, với người thích dừng nghỉ khám phá nhiều nơi nên chọn thuê xe máy, vừa tiện lợi, dễ sử dụng và chi phí thấp. Đà Nẵng có dịch vụ xe bus và taxi phục vụ di chuyển cả trong nội thành lẫn từ Đà Nẵng đi các điểm du lịch xung quanh. Giá cho thuê xe máy giao động trong khoảng 80.000 - 150.000 đồng một ngày.
Nghỉ ngơi

Đà Nẵng là thành phố biển nên ngoài các nhà nghỉ, khách sạn ở trung tâm đô thị thì xung quanh các bãi biển cũng có nhiều khu nghỉ mát cho du khách lựa chọn. Giá phòng nhà nghỉ, khách sạn của Đà Nẵng dựa vào kiến trúc hạ tầng nên chênh lệch khá cao, du khách cần tham khảo và tìm hiểu kĩ trước khi đặt phòng. Khách sạn 2-3 sao có giá khoảng 400.000 - 900.000 đồng một phòng, khách sạn 4 - 5 sao có giá từ 2.200.000 đến 4.500.000 đồng một phòng. Đối với những người thích du lịch tiết kiệm có thể lựa chọn các nhà nghỉ có giá bình dân khoảng 80.000 - 200.000 đồng một phòng.

Địa điểm tham quan
Trung tâm Đà Nẵng: Du khách có thể tìm hiểu văn Đà Nẵng nếu tham quan Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Champa. Hoặc ngắm những cây cầu nổi tiếng như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, đặc biệt là vào khoảng thời gian chiều tà mát mẻ. Ngoài ra chợ Cồn cũng là một điểm khá hấp dẫn cho du khách yêu ẩm thực và muốn mua đồ làm quà.


Khoảnh khắc cầu Thuận Phước lên đèn lung linh. Ảnh: Hương Chi.

Bán đảo Sơn Trà:
Đây là một nơi có cảnh đẹp và điểm tham quan đa dạng. Du khách có cơ hội thăm chùa Linh Ứng, ngôi chùa lớn nhất thành phố hoặc thỏa thích ngâm mình ở các địa điểm như Bãi Bụt, Bãi Bắc hay Suối Tiên, Suối Đá.

Bà Nà – Núi Chúa: Thuộc huyện Hòa Vang và nằm cách Đà Nẵng 40 km về phía tây nam, Bà Nà – Núi Chúa là một dãy núi có nhiều điểm thu hút khách du lịch. Tới đây trong một ngày du khách sẽ cảm nhận được khí hậu của cả 4 mùa: sáng xuân, trưa hạ, chiều thu và tối đông.

Ngũ Hành Sơn: Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn được xem như kiệt tác non bộ của thành phố biển. Du khách có thể thăm thú chùa Tam Thai, tìm hiểu công việc của các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước, hoặc thư giãn ở bãi tắm Non Nước.

Các bãi biển: Đà Nẵng nổi tiếng là thành phố của những bãi biển đẹp với cát trắng mịn, nước trong xanh như Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng hay Bắc Mỹ An. Mỹ Khê đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Lễ hội truyền thống
Lễ hội đua thuyền: Diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại quận Liên Chiểu, với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa. Lễ hội được tổ chức trên sông Cu Đê, người dân từ các vùng Thủy Tú, Kim Liên, Nam Ô… đều đổ về từ sớm để tham gia và cổ vũ.

Lễ hội Cầu ngư: Còn được gọi là lễ hội Cá Ông hay lễ tế Cá Voi, lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Sau khi ăn Tết xong, thường là trong 2 ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép hình thức giữa lễ hội Cầu Ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. Ở Đà Nẵng, lễ hội này được tổ chức ở các vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Hòa Hiệp…

Lễ hội Quan Thế Âm: Được tổ chức vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, lễ hội Quán Thế Âm làm trong 3 ngày, gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ mang màu sắc lễ nghi Phật Giáo và có lễ rước ánh sáng, lễ khai sinh, lễ trai đàn chuẩn tế, lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc, và lễ rước tượng Quán Thế Âm. Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa – thể thao mang đậm bản sắc dân tộc.

Bên cạnh các lễ hội chính như trên du khách còn có thể đến lễ hội đình làng An Hải (10-8 âm lịch), lễ hội làng Túy Loan (9-1 âm lịch)…

Món ăn đặc sản
Mì Quảng: Nói đến ẩm thực Đà Nẵng hẳn ai cũng nghe tên món ăn quá đỗi nổi tiếng này. Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch”, mà rất đa dạng về hương vị như mì Quảng tôm thịt, mì Quảng cá lóc, mì Quảng chả cua…Mì Quảng là món ăn khô và một tô mì không bao giờ thiếu đậu phộng rang, bánh tráng mè nướng giòn. Một tô mì Quảng nhỏ khoảng 15.000 đồng, tô lớn khoảng 20.000 - 30.000 đồng, ngoài ra với tô đặc biệt giá có thể lên đến 40.000 đồng.


Mì Quảng - món ăn trứ danh đất Đà Thành. Ảnh: Hương Chi.

Bánh tráng thịt heo:
Là một món khá đơn giản tuy nhiên chính là công đoạn lựa chọn kỹ lưỡng các nguyên liệu làm nên nét đặc biệt cho món ăn. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, các loại rau ăn kèm phải đảm bảo tươi xanh như xà lách, húng quế, diếp cá, hoa chuối, dưa leo, chuối xanh, giá đỗ… Mắm nêm của bánh tráng cuốn thịt heo là loại nước chấm không thể thay thế và cũng là điểm nhấn khiến nhiều du khách luôn muốn ăn thêm. Bánh tráng thịt heo bán theo suất khoảng 50.000 - 200.000 đồng một suất.

Bê thui Cầu Mống: Người Đà Nẵng còn gọi món này với cái tên quen thuộc là “bò tái Cầu Mống”. Thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đủ hai tầng thịt tái, chín rõ, bì chín đến độ trong suốt đồng thời vừa giòn vừa mềm. Mắm chấm làm từ cá cơm nguyên con có đường, tỏi, ớt, gừng và mè rang. Khi ăn có kèm thêm các loại rau thơm và bánh tráng gần như món bánh tráng cuốn thịt heo. Bê thui Cầu Mống có giá giao động từ 350.000 đến 380.000 đồng một kg.

Gỏi cá Nam Ô: Đây là một món ăn làm từ cá sống nhưng nếu ăn rồi sẽ dễ nghiện. Cá làm món này có thể từ cá mòi, cá cơm, cá tớp… tuy nhiên ngon nhất vẫn là cá trích. Nét đặc trưng của món gỏi cá chính là thứ nước chấm làm từ nước cốt cá đun sôi, hòa cùng nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt. Ngoài các loại rau ăn kèm thường thấy, gỏi cá Nam Ô còn có cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, tim lan… vốn chỉ mọc trên đèo Hải Vân. Du khách có thể ăn cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau kèm nước chấm. Gỏi cá Nam Ô với giá khoảng 80.000 đồng một suất đủ ăn cho 3 người.

Quà mua về
Du khách có thể mua các loại hải sản tươi sống hoặc đã làm khô như mực một nắng, mực khô, tôm khô, cá khô tẩm… tại chợ Hàn, chợ Cồn hoặc siêu thị đặc sản miền Trung. Bên cạnh đó các đồ như bánh khô mè Cẩm Lệ, tré Bà Đệ, rong biển Mỹ Khê hay nước mắm Nam Ô cũng là những thức quà hấp dẫn mang đậm hương vị vùng đất Đà Nẵng cho du khách mua về.
Hương Chi
Nguồn: vnexpress.net



Các bài viết cùng thể loại: