Nhiều bạn đọc đã thể hiện sự đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc giữ nguyên chiều rộng của QL13 khi vào TP.HCM là 60m.
Quốc lộ 13 phía Bình Dương đã làm rộng khoảng 60m. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết do thiếu kinh phí nên đưa phương án giảm còn 35m. Bí thư Đinh La Thăng: phải làm đúng quy hoạch 60m.
>> [Nội dung ẩn để xem]
Nhiều bạn đọc cho rằng quy hoạch phải nghĩ đến 50-100 năm sau chứ không thể thấy khó khăn trước mắt mà làm nhỏ lại, rồi chẳng mấy năm nữa lại phải cơi nới ra khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao qua cửa ngõ QL13 (TP.HCM) này.

Về mặt kinh phí, nhiều ý kiến đồng tình rằng thà tốn kém mở rộng đường một lần còn hơn sau này phải chỉnh sửa, mở rộng tiếp thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
>> [Nội dung ẩn để xem]
Thêm nữa, nhiều bạn đọc cho rằng phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề liên kết vùng và bộ mặt của cửa ngõ vào thành phố.

“Phải nối kết liên vùng. Làm đường nhỏ sau này làm lại sẽ tăng chi phí và phiền dân hai bên đường thêm lần nữa. Thắt nút cổ chai gây ra bao nhiêu hệ lụy cho tính mạng tài xế”, một bạn đọc nói.
>> [Nội dung ẩn để xem]
Nhiều bạn đọc còn e ngại đường rộng 60m vẫn là chưa đủ với tốc độ phát triển của khu vực này.

“Thực ra đường cửa ngõ đi Tây nguyên chỉ 60m vẫn là quá nhỏ! Giả sử 20 năm nữa trung bình mỗi hộ gia đình Sài Gòn có 1 ôtô thì 60m có đủ không? Tôi e là không đâu!” - độc giả Thanh Mai viết.

Tầm nhìn 50-100 năm

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải Hà Nội, cho rằng việc quy hoạch đường sá đô thị, nhất là những tuyến đường huyết mạch phải có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là phải 50 năm, thậm chí là 100 năm.

“Kinh tế ngày càng phát triển, đây lại còn là tuyến đường huyết mạch, nối hai vùng kinh tế trọng điểm là Bình Dương và TP.HCM với nhau. Vì thế bắt buộc phải làm đúng thiết kế là 60m, chỉ vì thiếu kinh phí mà làm nhỏ lại thì sau này cũng phải sửa vì sẽ kẹt xe. Đường 60m còn chưa chắc sẽ giảm kẹt xe. Vấn đề kinh phí phải tìm cách gỡ từ từ chứ không thể làm đường nhỏ lại được. Có thể nghĩ đến phương án làm từng giai đoạn nếu vốn không đủ để thực hiện một lần” - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói.

KTS Khương Văn Mười - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng giải quyết giao thông thì phải giải quyết theo mục tiêu đề ra, không giải quyết theo vấn đề kinh phí. Do vậy không thể nói vì thiếu kinh phí mà thay đổi thiết kế tuyến đường.

“Chiến lược phát triển vùng là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến việc thiết kế những tuyến đường xuyên tỉnh. Vì vậy phải dựa vào yếu tố này để đưa ra thiết kế hợp lý. Khi đưa ra thiết kế, các chuyên gia đã có tầm nhìn ít nhất là mấy chục năm sau, tính toán đến những thay đổi của kinh tế xã hội”, KTS Khương Văn Mười phân tích.



Các bài viết cùng thể loại: