Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi văn bản hoả tốc tới các ngân hàng về việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới gói 30.000 tỷ do số tiền cam kết cho vay ưu đãi đã vượt qua con số 30.000 tỷ.
>> [Nội dung ẩn để xem]
Theo công văn trên, Ngân hàng nhà nước cho rằng qua theo dõi về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã đạt trên 30.000 tỷ đồng nên Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng dừng việc ký hợp đồng tín dụng mới bắt đầu từ ngày 31/3/2016. Phạm vi áp dụng với tất cả đối tượng khách hàng của Chương trình tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật.

Nội dung văn bản cũng nhấn mạnh thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước sẽ được thông báo cụ thể tới các ngân hàng bằng văn bản sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo dõi tình hình giải ngân thực tế của Chương trình.

Trước khi 'gáo nước lạnh' về gói 30 nghìn tỷ này được ngân hàng thông báo, ngày 23/3, tại hội thảo Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016 do Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Trưởng phòng Nguồn vốn (Vụ Tín dụng - NHNN) từng cho biết: Phía Ngân hàng đã có công văn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn thêm thời gian giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình vẫn được giải ngân với lãi suất ưu đãi cho đến khi hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ chương trình. Nhưng phải đảm bảo tổng số tiền giải ngân không vượt quá 30.000 tỷ đồng.

Có lẽ đã nhìn thấy trước được vấn đề, khi tại Hội thảo này, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra nhận định: Lúc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định về gói 30.000 tỷ với thời hạn 36 tháng thì đâu có xin phép ai, vậy tại sao đến lúc gia hạn lại phải xin phép Thủ tướng Chính phủ? Đứng ở góc độ cá nhân, theo tôi việc dừng cho vay gói 30.000 tỷ đồng là không nên. "Chúng ta sẽ và vẫn nên tiếp tục hỗ trợ cho người thu nhập thấp, người nghèo mua nhà ở nhiều chục và thậm chí là nhiều trăm năm, điều này đã được đưa vào luật. Thực tế các nước phát triển trên thế giới kể cả Nhật Bản, Mỹ hiện vẫn đang làm gói này. Trong khi Việt Nam còn đang rất nghèo và khó khăn, sao lại không triển khai tiếp?”, ông Nam nói.



Các bài viết cùng thể loại: